KINH NGHIỆM ỨNG PHÓ VỚI BÃO

NHA TRANG là địa phương được thiên thời, địa lợi, được che chắn bởi các đảo trên VỊNH NHA TRANG nên ít khi gặp những thiên tai, bão lũ lớn. Nhưng gần đây, nhất là cơn bão số 12 Damrey đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Qua đó, chính quyền và người dân cần tránh chủ quan với thiên tai bất ngờ. Một số chia sẻ về kinh nghiệm ứng phó với bão như sau:

TRƯỚC KHI BÃO ĐẾN

1. Tiếp nhận thông tin:
Ngày nay đã có phương tiện hiện đại, người dân cần chủ động nắm thông tin về bão, qua nhiều kênh khác nhau như đài phát thanh, truyền hình Trung ương đến cơ sở, các dịch vụ của hệ thống điện thoại để theo dõi sát thông tin về hướng bão và tọa độ bão đổ bộ vào đất liền.

Tuy nhiên vẫn có gia đình không có phương tiện nghe nhìn. Hoặc vì trường hợp dự phòng gió, bão diễn biến nghiêm trọng nên ngành điện lực cắt điện thì theo đó người dân sẽ mù tịt thông tin. Để chủ động nhất là mỗi nhà nên chuẩn bị một radio loại nhỏ dùng pin tiểu giá vài chục đến không quá 100 ngàn đồng, rất tiện lợi trong việc tiếp nhận thông tin trong mùa mưa bão. BCH PCBL các cấp, nên dùng hệ thống loa di động đặt trên xe máy, ô tô đến tại các chợ lúc đông người, khu vực đông dân cư thông báo hoặc yêu cầu các trường học thông tin cho học sinh khi về nhà báo lại cha mẹ chuẩn bị phòng chống.


2. Những việc làm trước khi bão vào:
*Chằng, néo ngoài nhà: Nhà không xây tường mà làm bằng gỗ, tre thì dùng dây sắt 6, hoặc dây nilong (có đường kính lớn) néo tại điểm liên kết kèo và cột, kéo xuống đất ngoài nhà, một góc 45o, không nên đống cộc để buộc dây, mà chôn một đoạn cây khoảng 0,8-1m, ở giữa được buộc một dây sắt 6 hình chữ U dài 1-1,2m, mặt đất được đào hình chữ T, sâu khoảng 0,8 đến 1m, phía đỉnh chữ T để thanh ngang, phía chân chữ T để dây sắt chữ U như mô tả ở trên và dùng dây đã cố định ở đỉnh cột, buộc hoặc kéo móc tangđơ vào chữ U cho thật căng, cứ nổi cột có môt dây về tất cả các phía, như kiểu cắm trại.
*Chống, chằng trong nhà: Dùng các cây tre, gỗ, ván dài hơn các cột trong nhà để chống, vào đầu cột, điểm liên kết cột và kèo, gió chiều nào thì chống phía ấy, chú ý: phía chân phải được cố định tránh cột chống di chuyển. Nếu nhà nhiều cột cũng có thể liên kết các cột với nhau bằng các cây tre, gỗ buộc chéo chằng lại.
*Đằn mái nhà: Khi nhà lợp tôn thì sử dụng bao cát chặn lên mái, tại các vị trí có đòn tay, nhất là rìa mái dọc và ngang của mái tôn, số bao có cát càng nhiều càng tốt, các bao cát được liên kết với nhau bằng một sợi dây hoặc thanh tre; tuyệt đối không dùng đá viên lớn, đá nhỏ bỏ vào bao tải, gạch, blo hay đồ vật cứng, ngắn; để chặn trên mái nhà. Hiện nay, các loại bao tải đều có chất dễ phân hủy khi có ánh nắng mặt trời. Do đó, để khỏi bị cát bay về mùa khô, đá rơi khi bao bị hủy nên trộn lẫn cát với xi măng dạng vữa bê tông mác 50. Như vậy, việc chặn mái được lâu dài, khi bao đã hủy thì khối cát, đá vẫn còn lại cho các năm sau.
+ Các nhà lợp bằng pibroximang khi néo bằng dây thép phải chú ý điểm dây thép tiếp xúc với tôn ở đây dễ bị ăn mòn, cho nên phải buộc lại trước khi bão đến hoặc có người di chuyển trên mái nhà, dễ gây tai nạn; tốt nhất là buộc bằng dây cước. Để chắc chắn hơn thì dùng dây cáp choàng qua mái tôn, kéo xuống đất để chằng néo theo kiểu néo chữ T ở trên, không buộc vào gốc cây có cành lá lớn cây đổ, nhà đổ theo.
*Chốt cửa:Tất cả các cửa gỗ, cửa sắt kéo, có thể dùng tre, gỗ nẹp lại bằng đinh hay dây thép, nhất là các cửa khi mở đẩy vào, che chắn lỗ thông gió, nếu cửa kính để tránh vở nên dùng băng dính dán chéo chữ X mặt trong kính.
+ Kiểm tra các vị trí dễ bị gió lật để có biện pháp ứng phó trước. Việc chằng chống nhà cửa, cho dù nhà đã được xây dựng kiên cố đều phải được quan tâm đúng mức, mới mong nhà không bị tốc mái hay ngã sập.
*Chặt hoặc tỉa cành: Tất cả các cây, cành to gần nhà phải chặt hoặc tỉa cành để tránh cây, cành có thể ngã khi có gió mạnh.
*Chú ý: Hệ thống điện và phương tiện điện tử, cắt cầu giao tổng của hệ thống điện, hạ cột anten tivi, chặt cây cối va quệt vào đường dây điện trần.