Các phương án ứng phó của doanh nghiệp trước dịch bệnh Covid-19
Đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ không có free cash flow (dòng tiền tự do) đáng kể và phải chịu chi phí cố định lớn, đang lựa chọn phương án cầm cự duy trì để vượt qua mùa dịch. Cụ thể là giảm giờ làm, đóng cửa một số cửa hàng, thắt chặt chi tiêu để lược bớt chi phí vận hành.
Những doanh nghiệp và tập đoàn lớn không thuộc các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp thì chọn hướng đi khác: tận dụng thời gian này để cải thiện bộ máy, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới chờ thị trường khởi sắc.
1. Cắt giảm chi phí
Với nhiều doanh nghiệp, chi phí cho nhân viên chiếm phần lớn chi phí hoạt động. Vậy nên khá phổ biến doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm khoản này đầu tiên. Có nhiều phương án đang được sử dụng như:
• Cắt giảm giờ làm nhưng giữ nguyên số lượng nhân viên hoặc chuyển nhân viên full-time thành part-time.
• Đăng ký nghỉ xoay ca. Nhân viên có thể làm 2 tuần, nghỉ 1 tuần và xoay ca với những đồng nghiệp khác.
• Làm việc tại nhà và trao đổi qua online để giảm thiểu chi phí vận hành, thuê mướn, di chuyển.
• Cho nghỉ hẳn. Đây là quyết định không doanh nghiệp nào muốn. Tuy nhiên, để tiếp tục tồn tại nhiều doanh nghiệp phải để nhân sự nghỉ việc không lương hoặc ra quyết định nghỉ hẳn với những bộ phận, phòng ban nhất định.
2. Thực hiện vệ sinh kiểm soát dịch
Nhiều doanh nghiệp đã có biện pháp cần thiết theo khuyến cáo của Bộ Y Tế để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch như: phun khử trùng toàn bộ văn phòng, cung cấp và yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang khi làm việc, xịt rửa tay và do thân nhiệt cho khách tới mua hàng, cũng như thực hiện cách ly theo hướng dẫn.
3. Tìm hướng đi mới, sản phẩm mới
Rất nhiều doanh nghiệp uyển chuyển đã chuyển đổi mô hình kinh doanh để phục vụ nhu cầu phát sinh mùa dịch. Một số khác tận dụng cơ hội này để xây dựng hình ảnh thương hiệu. Cùng điểm qua một vài hướng đi đang đạt hiệu quả trong hiện tại:
- Nhiều khách sạn đăng ký là nơi cách ly tập trung có trả phí để hỗ trợ công cuộc phòng dịch của Nhà nước với nhân viên khách sạn sẽ phục vụ “vòng ngoài”, còn nhân viên y tế sẽ tiếp xúc trực tiếp với người cách ly.
- Coca – Cola tạm dừng hoạt động quảng cáo và đóng góp ngân sách đó cho phòng chống dịch Covid-19. Hành động này mang lại hiệu ứng tốt, Coca-Cola đã ghi được điểm trong mắt người tiêu dùng.
- Oppo, Vingroup hay nhiều doanh nghiệp khác cũng hòa vào làn sóng quyên góp, ủng hộ giúp người dân Việt Nam vượt qua khó khăn và củng cố hình ảnh đẹp của thương hiệu.
- Ngoài việc bộ giáo dục cho học sinh nghỉ dài ngày, các doanh nghiệp giáo dục cũng chuyển hướng xây dựng chương trình học online, học trên các ứng dụng có sự hỗ trợ của bố mẹ. YOLA là một trong những tổ chức tiên phong và hiện được nhiều người dùng hưởng ứng và đánh giá cao.
- Sau bánh mì thanh long, ABC Bakery tiếp tục gặt hái nhiều thiện cảm khi cung cấp 3000 ổ bánh mì dinh dưỡng cho đội ngũ y bác sĩ đang chiến đấu với dịch Covid-19.
- Cửa hiệu Twitter Beans Coffee cho biết sẽ phục vụ miễn phí từ 8.000 – 10.000 cốc cà phê đính kèm hàng ngàn tin nhắn gửi đến các y bác sỹ tuyến đầu chống dịch.
- Pizza 4P’s cung cấp menu giao hàng với nhiều ưu đãi cùng hướng dẫn hâm nóng thực phẩm tại nhà cho khách hàng để thúc đẩy doanh số kênh online.
- Nhiều thương hiệu F&B kết hợp nhiều biện pháp đồng bộ: giao hàng online, phục vụ tại nhà, chuyển đổi thành mô hình lấy bếp làm trung tâm,…
- Doanh nghiệp bán lẻ như Big C hay Co.op cũng đẩy mạnh giao hàng online và dịch vụ đi chợ hộ kết hợp với các ứng dụng giao hàng Grab, Be cho những mặt hàng thiết yếu.
- Nhiều cửa hàng kết hợp kinh doanh không lợi nhuận hoặc tặng miễn phí các sản phẩm y tế như khẩu trang, nước rửa tay khi đặt mua sản phẩm của cửa hàng.
- YouTube và Netflix giảm chất lượng truyền phát để giữ ổn định cho internet khi nhu cầu xem truyền hình hay các kênh giải trí trực tuyến tăng mạnh.
- Các đơn vị giải trí tăng cường nội dung trên nền tảng số để phục vụ nhu cầu đang lên của khán giả hay thậm chí miễn phí gói premium cho người dùng toàn cầu.
- Giới nghệ sĩ tích cực phủ sóng thị trường video trên Youtube và Tiktok với nhiều nội dung về thử thách để vượt qua thời gian cách ly hay hướng dẫn giữ gìn sức khỏe. Đáng chú ý là Bộ Y Tế cũng sử dụng Tiktok để lan truyền “Vũ điệu rửa tay” và tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội.
- Tập đoàn LVMH sở hữu thương hiệu Dior chuyển dây chuyền sản xuất nước hoa sang nước rửa tay và cung cấp miễn phí cho các cơ quan y tế.
- Nhiều Thương hiệu sản xuất đồng phục, may mặc, thời trang ... đã chuyển sang sản xuất khẩu trang và ủng hộ hàng triệu sản phẩm cho chính phủ.
- Những combo thời trang cao cấp phong cách mùa dịch, lấy khẩu trang làm trung tâm, cũng được tung ra để phục vụ nhu cầu của giới sành điệu.
- Nhiều thương hiệu tiến hành đưa các sản phẩm truyền thống trước giờ chỉ giao dịch trực tiếp lên sàn thương mại điện tử, đơn cử như sản phẩm bảo hiểm. Tiki là đơn vị tiên phong hợp tác với các đơn vị bảo hiểm để bán sản phẩm qua sàn thương mại điện tử.
4. Triển khai dự án, công việc quan trọng nhưng chưa được thực hiện
Nhiều doanh nghiệp coi đây là thời điểm vàng để xúc tiến những công việc còn tồn đọng hay chưa triển khai vì thiếu thời gian và nguồn lực, ví dụ: thiết kế website mua hàng cho công ty, tìm kiếm để mở rộng phân khúc thị trường mới, chuẩn hóa bộ quy trình trong doanh nghiệp, phát triển định hướng kinh doanh để khắc phục sau dịch…
5. Phát triển nhân viên, rèn luyện đội ngũ
Nhiều công ty đã tổ chức cho nhân viên trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm của bản thân về những chủ đề như: làm việc hiệu quả, quản lý thời gian hay phát triển bản thân. Ngoài ra, một số chủ doanh nghiệp cũng phổ biến lại những nguồn kiến thức hay lớp học online, đa phần là miễn phí, để nhân viên trau dồi ngay tại nhà.
Nguồn: vietcetera.com